Các sản phẩm chính là hoa quả nông sản của địa phương sản xuất như: Dứa, cam, khế, chanh leo, vỏ bưởi, chuối, xoài…được sấy đóng túi zipper trọng lượng 100 đến 250g và bán ra thị trường. Anh Sáng cho biết trước đây anh học trung cấp xây dựng, ra trường anh đi làm công ty cầu đường nhưng công việc không ổn định. Cách đây 10 năm tình cờ có người quen giới thiệu anh tham gia học tiếng và đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Từ đó anh bén duyên với một doanh nghiệp gia đình chế biến rau, củ quả và dần dần tiếp cận kỹ thuật sơ chế sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp. Anh đã trăn trở rất nhiều, tại sao mình không thử làm như họ trong khi nguồn nguyên liệu này của Việt Nam rất dồi dào và trong đó nhiều phụ phẩm bị bỏ phí rất cần được tận dụng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Anh Sáng cho biết hiện cơ sở của anh vẫn đang sản xuất theo hướng thử nghiệm để thăm dò thị trường nên quan trọng nhất vẫn phải chờ tín hiệu đón nhận của thị trường đối với từng sản phẩm để quyết định quy mô phát triển của mô hình.
Hiện cơ sở của anh Sáng đang được đặt tại nhà riêng với diện tích gần 200 m2 với 02 chiếc máy sấy, máy hấp công suất nhỏ. Anh Sáng vừa làm ông chủ vừa đảm nhận việc quản lý, kỹ thuật chế biến kiêm nhân viên đi giao hàng, tiếp thị và thăm dò thị trường. Hiện nay mạng lưới khách hàng của anh chưa nhiều. Chủ yếu ở Hà Nội và TP Phủ Lý và huyện Thanh Liêm. Tận dụng lao động nông nhàn ở địa phương mỗi khi có đơn hàng anh thuê thêm từ 4 đến 5 lao động và trả công theo giờ. Các sản phẩm được thu mua tại các cơ sở có uy tín và đảm bảo ATTP được các bà, các cô sơ chế thủ công rồi mới được đưa vào chế biến không hề có chất bảo quản hay hóa chất phụ gia công nghiệp. Bà Hà Thị Phương thôn Lác Nội là một trong những lao động đã được anh Sáng thuê để sơ chế hoa quả tươi từ những ngày đầu thành lập cơ sở cho biết: Công việc làm tại đây nhẹ nhàng phù hợp với mọi lứa tuổi, hơn nữa cơ sở sản xuất của gia đình anh Sáng đã giúp các loại nông sản của địa phương nâng tầm về chất lượng lại cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần bán thô ở chợ quê nên bà rất muốn cơ sở phát triển thêm để bà con có thêm việc làm và giúp người nông dân tiêu thụ nông sản quê mình.
Qua tìm hiểu trực tiếp tham quan mô hình sản xuất mứt hoa quả sấy dẻo của gia đình anh Bùi Văn Sáng cho thấy đây là mô hình mới đầu tiên của huyện Thanh Liêm với ý tưởng rất khả quan và nổi bật là ưu điểm: Tận dụng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương có giá thành thấp chế biến thành sản phẩm có giá trị cao, tận dụng lao động nông nhàn tại địa bàn dân cư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, cơ sở vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên số lượng các mặt hàng sản xuất chưa nhiều. Ngoài ra, quy trình sản xuất cũng ở quy mô nhỏ và thủ công vì thế số lượng nguyên liệu thu mua đầu vào cũng như khối lượng tiêu thụ ngoài thị trường vẫn ở mức khảo sát thăm dò thị trường. Thiết nghĩ để cơ sở phát triển ổn định lâu dài cần phải có sự liên kết giữa các bên:Nông dân-khoa học kỹ thuật và doanh nghiệp. Muốn làm được như vậy thì ngoài sự vươn lên tự khẳng định mình của doanh nghiệp cũng rất cần sự kề vai, sát cánh của các ngành chức năng, tạo điều kiện để mô hình phát triển góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân./.