Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đôi nét về huyện Thanh Liêm

Giới thiệu chung  
Đôi nét về huyện Thanh Liêm
Thanh Liêm  là một huyện nằm ở phía tây nam của tỉnh  Hà Nam.  Là huyện đồng bằng thấp thuộc Đồng bằng bắc bộ. Có dòng sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng chảy cắt ngang qua địa bàn theo hướng Bắc Nam, từ thành phố Phủ Lý đến ngã ba ranh giới của huyện với ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Nam Định

       Huyện nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý 12 km và cách trung tâm thủ đô Hà Nội 72 km. Theo Quyết định gần đây nhất số 2002/QĐ- UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Liêm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thì phạm vi ranh giới hành chính toàn bộ huyện Thanh Liêm có 16 đơn vị hành chính xã, thị trấn. Phía bắc giáp huyện Kim Bảng và thành phố phủ Lý, phía Nam giáp huyện gia viễn tỉnh Ninh Bình và huyện ý Yên tỉnh Nam Định, phía Đông giáp huyện Bình lục, phía tây giáp huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình. Quy mô, diện tích khoảng trên 16.490 ha, dân số hiện trạng 119. 977 người, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 195.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 57%. Với tính chất là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, vật liệu xây dựng, công nghiệp đa ngành của tỉnh, vùng Thủ đô; là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao phía Nam của tỉnh; là huyện đạt chuẩn NTM gắn với phát triển đồng bộ các lĩnh vực dịch vụ - đô thị định hướng đạt chuẩn đô thị loại IV trực thuộc tỉnh trước năm 2030.Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp dịch vụ.  Đất đai của huyện thuộc vùng đồng bằng được hình thành từ phù sa sông Hồng và sông Đáy, thích hợp với việc trồng lúa và các loại rau màu. Ngoài ra huyện có một phần nhỏ đồi núi đất thấp thích hợp phát triển cây lấy gỗ, cây ăn quả và cây công nghiệp và có nguồn núi đá vôi với trữ lượng hàng tỷ m³, tập trung chủ yếu ở 5 xã, thị trấn vùng tây Đáy là: Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, vôi, đá dăm các loại.... Ngoài ra còn có mỏ sét nằm trên dãy núi đất thấp nằm trải theo các xã Liêm Sơn, Thanh Tâm và thị trấn Tân Thanh  có trữ lượng hàng triệu m3 dùng làm chất liệu phụ gia cho sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận; mỏ đá trắng cung cấp cho ngành công nghiệp hóa chất.  Theo thống kê chưa đầy đủ toàn huyện có tổng dân số khoảng gần 119.977 người với hai tôn giáo chính là Phật Giáo và Thiên Chúa giáo. Trong đó có khoảng 10% dân số theo đạo Thiên Chúa. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập  đến năm 2020 huyện Thanh Liêm có 14 xã và 02 thị trấn là Kiện Khê và Tân Thanh. Trong đó Tân Thanh được quy hoạch trở thành thị trấn huyện lỵ của địa phương như hiện nay.  

      Trước kia, nói đến Thanh Liêm người ta luôn nghĩ đến một huyện đồng bằng nhỏ bé thuộc đồng chiêm trũng với nền kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp vì thế mà đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phát huy địa thế, địa hình có nhiều thuận lợi về giao thông đường bộ đường thủy và cả đường sắt. Thanh Liêm có vai trò như một khớp nối giữa các tỉnh miền bắc đi Miền Trung và miền Nam bởi địa bàn có tuyến đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A, quốc lộ 21 A chạy qua. Từ năm 2000 trở lại đây nền kinh tế đã có bước chuyển rõ nét, nền kinh tế đang dần dịch chuyển sang phát triển công nghiệp dịch vụ. Năm 2019 KCN Thanh Liêm được hình thành và đến nay diện tích đã mở rộng lên gần 293ha. Thu hút được 8 dự án đầu tư giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của KCN có thêm diện tích trên 142 ha. Đến nay, nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu tư và  đã thu hút được 17 dự án đầu tư. Nâng tổng số dự án trong toàn KCN Thanh Liêm lên 25 dự án, bao gồm 8 dự án FDI và 17 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 103 triệu USD và gần 8.400 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Bên cạnh đó, Thanh Liêm cũng tiếp tục duy trì và phát triển các làng nghề và làng có nghề. Trong đó nổi bật phải kể đến : Nghề làm nón làng An Khoái xã Liêm Sơn, Bói Hạ xã Thanh Phong; Nghề cây đá cảnh, non bộ  ở Động Nhất xã Liêm Cần; Làng nghề thêu ren  truyền thống An Hòa , Hòa Ngãi xã Thanh Hà; làng nghề bánh đa nướng Sở Kiện, nghề Chạm khắc đá, nung vôi thị trấn  Kiện Khê; Nghề làm bún bánh thôn Kim Lũ  xã Thanh Nguyên; nghề Khai thác vật liệu xây dựng, đá dăm các loại ở các xã Thanh Nghị, Thanh Hải; nghề Vận chuyển, khai thác vật liệu xây dựng, đá ở xã Thanh Thủy, Thanh Tân...  

        Về Nông nghiệp đã hình thành duy trì thực hiện 11 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích 328,7 ha; tiếp tục thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa với diện tích 54,14 ha tại 09 xã, thị trấn và thực hiện chương trình mỗi xã 01 sản phẩm năm 2022. Đến nay toàn huyện có 06 sản phẩm được công nhận 03 sao . Phấn đấu hết năm 2022 toàn huyện có tổng 09 sản phẩm được đánh giá sản phẩm OCOP. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.Trong đó đặc biệt có sản phẩm trứng gà thảo dược Sachi là sản phẩm tiêu dùng mới được người tiêu dùng đánh giá cao. Đến nay đã có ¼ diện tích gieo cấy lúa hàng năm được áp dụng phương pháp gieo cấy bằng máy; 100% diện tích thu hoạch lúa và làm đất bằng máy nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác. Diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả được chuyển dần sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả như ổi, mít, bưởi, chuối, cây dược liệu... Năng suất lúa bình quân hàng năm đều tăng. Tính trong năm 2022 năng suất lúa đạt 61,8 tạ/ha. Thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 64 triệu đồng/người /năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,85%.

       Đời sống người dân được nâng lên, văn hóa xã hội, y tế giáo dục đều được quan tâm đầu tư cơ bản. Đến nay 100% số xã về đích nông thôn mới, huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Trong đó đã có 3 xã về đích NTM kiểu mẫu. Năm 2022 phấn đấu có thêm 02 xã là Thanh Hương và Liêm Sơn đạt xã NTM Nâng cao.  Mạng lưới đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, rộng rãi, sạch sẽ. Một số tuyến đã lắp đặt điện thắp sáng. Nhà văn hóa thôn, xã được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho nhân dân. Phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao phát triển rầm rộ. Nổi bật nhất là các phong trào chơi bóng chuyền, cầu lông, nhảy dân vũ.  Hàng lọa câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, TDTT ra đời duy trì hoạt động làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần. Điểm qua toàn huyện đã thành lâp CLB 278 thể thao, chủ yếu là Cầu lông và Bóng chuyền, Dân vũ, dưỡng sinh và vô số câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hát chèo, hát trống quân, ca khúc cách mạng...Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được tôn tạo, tu bổ; các lễ hội được tổ chức quy mô lành mạnh phát huy giá trị truyền thống và trở thành điểm du lịch thu hút nhân dân địa phương và du khách gần xa tham gia như : Chùa Đùng hay còn gọi là Địa Tạng phi lai tự ở xã Liêm Sơn; chùa Ninh Tảo, chùa Vọng Tiên thị trấn Tân Thanh hay đình, chùa Hòa Ngãi  xã Thanh Hà; chùa Phật Quang xã Thanh Phong; Kẽm trống xã Thanh Hải, Đến Lăng xã Liêm Cần; nhà thờ xứ Sở Kiện thị trấn Kiện Khê; đình Đống Cầu – lễ hội vật võ Liễu Đôi ... Về giáo dục không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học. Đến năm 2022 toàn huyện có 51/51 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 45 trường đạt chuẩn mức 02. Xây dựng trường trung học cơ sở Đinh Công Tráng trở thành trường THCS chất lượng cao của huyện. 100% trạm y tế được kiên cố hóa và có đủ y bác sỹ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…

      Để bắt kịp với xu thế chung huyện Thanh Liêm đang được đô thị hóa dần so với quy hoạch cũ, nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển của huyện và của tỉnh Hà Nam. Theo định hướng mới Thanh Liêm tiến tới sẽ được xây dựng trở thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ và nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, động lực phát triển của tỉnh Hà Nam. Mục tiêu này cũng nhằm tạo sức bật phát triển đột phá đưa huyện Thanh Liêm trở thành thị xã trước năm 2030​.