Skip Ribbon Commands
Skip to main content

ĐẶC SẢN RƯỢU NẾP LIỄU ĐÔI

Tin tức - Sự kiện  
ĐẶC SẢN RƯỢU NẾP LIỄU ĐÔI
108.jpg

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất rượu nếp có thương hiệu mang đậm chất văn hóa đồng chiêm: Rượu Nếp Liễu Đôi. Cơ sở này thuộc gia đình Ông Nguyễn Văn Trung có địa chỉ thôn Vỹ Khách Cầu xã Liêm Túc huyện Thanh Liêm. Qua trò chuyện với ông được biết, sản xuất rượu nếp không phải là nghề gia truyền của gia đình ông Trung. Bản thân ông làm nghề lái xe lâu năm, vợ con cũng đi công tác trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, do tuổi cao nên ông muốn chuyển đổi một nghề cho phù hợp với điều kiện sức khỏe đồng thời tận dụng phụ phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình  nên chọn nghề nấu rượu nếp. Vừa giữ nghề vừa có thu nhập, nhưng hơn thế nữa là ông muốn góp phần lưu giữ được nét văn hóa vùng quê Liễu đôi. Hiện gia đình rất tự hào vì sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh, gắn liền với  tiêu chí của xã NTM nâng cao, cho dù thế nào ông cũng vẫn muốn duy trì nghề.

Bắt tay vào sản xuất rượu, gia đình ông Trung đã đầu tư trên 70 triệu đồng mua tủ hấp cơm công nghiệp, nồi hơi chưng cất rượu, máy lọc khử độc tố, các loại chum sành chứa thành phẩm sau khi nấu và ủ tiếp sau 100 ngày trở lên mới xuất bán. Đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ nguyên liệu đến nguồn nước, phương pháp chưng cất truyền thống để có hương vị sản phẩm thơm ngon nhất. Ông cho biết, nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất là Gạo nếp, thứ nguyên liệu chính tạo ra rượu được sản xuất tại địa phương. Từ cây giống nếp cái Hoa Vàng gieo trồng trên cánh đồng Lương Cửi, thôn Thượng Cầu Vọng. Cánh đồng được bồi đắp phù sa phì nhiêu màu mỡ từ bao đời, tạo ra hương vị của lúa nếp quê, do đó rượu được nấu từ gạo này có hương vị đặc trưng riêng. Nước để nấu rượu là loại nước sạch đóng bình của công ty TNHH tư vấn và phát triển công nghệ xây dựng Nam Hà. Nguồn nước lấy từ nước núi, được lọc theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối, có thể uống trực tiếp. Tiếp đó, nguyên liệu không thể thiếu là men ủ rượu, là loại men thuốc bắc, đặt từ Thái Bình. Đây là sản phẩm chế biến thủ công hoàn toàn. Từ tinh bột gạo say nhuyễn phối trộn với 36 vị thuốc Bắc, rồi nặn thành bánh ủ trong trấu. Khi men chín lên mùi thơm, lấy ra xếp vào các khay bằng tre để trong nhà tầm 10 - 12 ngày. Sau đó mang ra ngoài trời nắng phơi từ 7- 10 ngày để men khô dậy mùi thơm đặc trưng của vị thuốc Bắc. Các nguyên liệu được tuyển chọn kỹ lưỡng dưới bàn tay khéo léo, tinh tế của người dân quê qua từng công đoạn để cho ra sản phẩm là những giọt rượu nếp đặc sản Liễu Đôi trắng, trong, không vẩn đục, không lắng cặn. Rượu có mùi thơm đặc trưng riêng thoảng mùi men thuốc Bắc. Khi uống cảm thấy hơi cay đầu lưỡi, khi nuốt có vị ngọt đậm, êm dịu trong cổ họng, không gây đau đầu, không có hiện tượng khát nước  khi uống rượu. Chị Nguyễn Thị Hường công chức Nông nghiệp-Công thương nghiệp-giao thông xây dựng xã Liêm Túc cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều hộ gia đình nấu rượu nhưng duy chỉ có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trung là đạt các tiêu chí về chất lượng, số lượng được Sở Khoa học công nghệ, Sở Y tế kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Đặc biệt, đây lại là sản phẩm có nguồn gốc từ  cây lúa gieo trồng trên cánh đồng Nương cửi, liên quan tới tích chàng trai họ Đoàn rất ý nghĩa nên địa phương gắn với tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.

Với những ưu điểm vượt trội và riêng biệt trên, cuối năm 2023, xã Liêm Túc đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam" đối với sản phẩm đặc sản rượu nếp Liễu Đôi. Đồng thời sản phẩm cũng đã được Công ty TNHH khoa học TSL- Trung Tâm kiểm nghiệm TSL Hà Nội kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng theo quy định.

Nói về sản phẩm và mức thu nhập từ nghề nấu rượu ông Trung cũng cho biết, những năm trước ngày nào ông cũng nấu. Tháng cao điểm xuất 300 lít/tháng nhưng giờ đây nhà nước quản lý chặt người sử dụng rượu bia tham gia giao thông nên người dân hạn chế sử dụng mặt hàng này. Hiện có tháng chỉ xuất bán được 50-70 lít với giá 35 nghìn đồng/lít. Vài ngày ông mới nấu một nồi, vì thế thu nhập từ nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gia đình cố gắng để giữ nghề như một nét văn hóa truyền thống của quê hương.

Ông Ngô Văn Tám chủ tịch UBND xã Liêm Túc cho biết: Từ thực tế những năm gần đây, tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng có xu hướng ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng. Để bảo vệ sức khỏe người dân, nhà nước ta đã có nhiều giải pháp thắt chặt quản lý mặt hàng này. Chính vì vậy, để sống được với nghề và giữ được sản phẩm đặc sản quê hương là bài toán khó đặt ra không chỉ với người làm nghề mà cho cả cấp ủy, chính quyền địa phương. Để giữ gìn thương hiệu rượu nếp Liễu Đôi của quê hương, xã luôn tạo mọi điều kiện động viên gia đình nâng tầm sản phẩm từ chất lượng đến mẫu mã hướng đến các mẫu hàng phục vụ ngày lễ, tết; tích cực quảng bá thương hiệu trên  phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu sản phẩm rõ nguồn gốc, chất lượng để bảo vệ sức khỏe. Làm sao sử dụng rượu như một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, để giữ được nghề và sống được với nghề nấu rượu đã khó, nhất là loại rượu đang mang Nhãn hiệu đại diện của vùng đất đậm chất văn hóa đồng chiêm như “Liễu Đôi" lại càng khó hơn. Cùng với quyết tâm, nhiệt huyết của người làm nghề rất cần sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng để rượu nếp Liễu Đôi luôn được duy trì, ngày càng được nâng tầm chất lượng và vươn xa, lan tỏa trong cộng đồng. Được bạn bè xa gần đón nhận như một nét văn hóa truyền thống vốn có và tồn tại từ lâu. Để rượu nếp Liễu Đôi đã, đang và sẽ luôn là niềm tự hào, dấu ấn khó quên khi nhớ về vùng quê  Liễu Đôi, Liêm Túc, Thanh Liêm, Hà Nam ./.