Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Núi Chùa còn mãi với thời gian

Thông tin cần biết  
Núi Chùa còn mãi với thời gian
22.jpg

Về thăm Núi Chùa (xã Thanh Tâm-Thanh Liêm-Hà Nam) trong những ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời tiết thật đẹp. Sau 15 năm trở lại, điều đáng mừng nhất mà chúng tôi cảm nhận được đó là tuyến đường tỉnh lộ 495b (người dân nơi đây quen gọi đường Xuân Thành) đang trong quá trình nâng cấp mở rộng chạy qua địa bàn xã Thanh Tâm đang sắp hoàn thành. Đường hai chiều rộng thênh thang, giữa hai làn đường còn được trồng rất nhiều cây hoa Ban, tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách khi về với vùng quê cách mạng.  Xã Thanh Tâm cũng vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đạt chuẩn; thấp thoáng những cổng làng mái cong uy nghiêm sừng sững gợi những nét cổ kính trầm mặc. Nằm trên đường dẫn đến Núi Chùa còn có các công trình di tích lịch sử lưu niệm danh nhân Đền thờ thượng thư tiến sỹ Trương Công Giai – người con xuất sắc của quê hương Thanh Tâm dưới triều đại nhà Lê; Chùa Cây thị -một danh thắng văn hoá khá nổi tiếng với lối kiến trúc đẹp độc và lạ mới được phục dựng tạo thành quần thể cảnh quan vừa yên bình thơ mộng vừa lưu giữ giá trị lịch sử văn hoá rất riêng được nhiều du khách gần xa biết đến viếng thăm. Điểm nhấn đáng nhớ là đền thờ các anh hùng liệt sỹ uy nghiêm bề thế được xây dựng ghi dấu ấn sâu đậm địa danh lịch sử trận chiến bi hùng của quân và dân ta chống lại thực dân Pháp xâm lược cách đây vừa tròn 70 năm. 

Ngược dòng thời gian chúng tôi tìm được nguồn tư liệu ít ỏi còn lưu giữ tại di dích: Sau thất bại ở chiến trường Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Thực dân Pháo điên cuồng tổ chức các trận càn quét lớn hòng tiêu diệt lực lượng của ta ở vùng đồng bằng. Quân và dân huyện Thanh Liêm đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực gồm cán bộ chiến sỹ thuộc tiểu đoàn 227, trung đoàn 95, đại đoàn 325 ( nay thuộc binh đoàn Hương Giang), tiểu đoàn 884, trung đoàn 48 thuộc đại đoàn 320 ( nay thuộc binh đoàn Tây Nguyên) chiến đấu chống càn tiêu diệt địch tại Núi Chùa xã Thanh Tâm. Trận chiến diễn ra từ khoảng 8h ngày 21/5/1954 đến 18h30 phút cùng ngày thì kết thúc. Lực lượng địch khoảng 1300 tên, có xe cóc, pháo binh và máy bay yểm trợ từ các hướng bất ngờ tấn công bộ đội ta  ở khu vực dãy Khe Non Núi Chùa, Chanh Chè, Trà Châu thuộc xã Liêm Trực nay là xã Liêm Sơn và  Thanh Tâm. Các đơn vị bộ đội cùng dân quân, du kích và quần chúng kháng chiến kiên cường quần nhau với địch để giành giật từng ngõ xóm, mái nhà. Bộ đội, dân quân, du kích địa phương sát cánh phối hợp chống càn. Nhiều quần chúng cách mạng bất chấp nguy hiểm, dũng cảm vượt qua làn đạn kẻ thù, mang nước, cơm cháo, hoa quả, tiếp tế, chăm sóc cho thương binh.Trận đánh diễn ra đột xuất bất ngờ và  không cân sức giữa ta và địch. Cũng chính vì vậy mà trận chiến đấu mặc dù  giành thắng lợi lớn. Ta đã bẻ gẫy trận càn của địch, tiêu diệt 5 xe bọc thép, 144 tên địch, bắt sống 92 tên  nhưng cũng rất bi hùng với những tổn thất, thương vong lớn cho bộ đội và du kích của ta.  Nhiều cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, nhiều thi thể bị vùi lấp dưới khe sâu. Sau trận đánh, ngay trong đêm ấy quân và dân địa phương đã phối hợp với  đơn vị tổ chức tìm thi thể, truy điệu và an táng các liệt sỹ, đưa thương bình về căn cứ để chăm sóc.Tuy nhiên địa hình hiểm trở, trận đánh diễn ra ác liệt nên những việc làm trên chưa vẹn tròn như mong muốn của người ở lại với các anh chị, những người đã ngã xuống. Nhiều người  trong số họ lúc  hy sinh trên thi thể không một dòng địa chỉ, không phiên hiệu đơn vị. Đồng đội và nhân dân  chỉ biết đón các anh, chị  về yên nghỉ  trong nghĩa trang liệt sỹ địa phương. Trận chống càn Chanh Chè ngày 21/5/1954 đã trở thành một trong những trận đánh mang dấu ấn lịch sử sâu đậm và bi tráng nhất của quân và dân Hà Nam trong kháng chiến chống Pháp. 241 liệt sỹ hy sinh rải rác khắp chốt điểm của trận địa núi Chùa (trong đó hơn 100 liệt sỹ trúng bom dưới lòng khe) . Tại nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh Tâm, 70 năm qua, trên 200 ngôi mộ cùng có chung dòng chữ “Phần mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin" phần lớn là của những chiến sỹ bộ đội chủ lực con em quê hương các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế luôn được những đồng đội, đồng chí và bà con các xóm núi vùng chiến trường xưa thành kính hương khói, viếng thăm chu đáo và hàng năm họ được tổ chức giỗ trận chung một ngày 21/5- ngày họ chiến đấu và ngã xuống đất này. Tại dãy núi Chanh chè còn đó dấu tích khe núi, hố bom năm xưa ghi dấu tội ác dã man quân xâm lược. 

Thời gian cứ vô tình trôi đi, nỗi trăn trở, cảm thương, ước nguyện tri ân các anh hùng liệt sỹ  còn chưa được biết tên tuổi, quê hương bản quán đã hy sinh anh dũng trong trận chống càn tại đây cứ đau đáu khôn nguôi trong lòng cán bộ và nhân dân Thanh Tâm nói riêng và người dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam nói chung. Những năm qua với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đảng bộ quân và dân địa phương và cả những đồng đội xưa, những người  tham gia trận đánh đã tích cực cố gắng tìm kiếm, quy tập  hài cốt liệt sỹ còn nằm trong khe núi, bên hố bom về nghĩa trang để chăm sóc khói hương.Nhưng còn đó, ước nguyện tìm được và trả lại tên, tuổi cho những liệt sỹ mà phần mộ của họ đang còn vô danh vẫn vô cùng gian nan.  Năm 2009 thể theo nguyện vọng của các bậc lão thành cách mạng, mẹ VNAH, thân nhân các liệt sỹ, thương bình, bệnh hinh và đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch và xây dựng “Khu tưởng niệm –đền thờ  các anh hùng liệt sỹ Núi Chùa" xã Thanh Tâm. Năm 2011 công trình khánh thành  đưa vào sử dụng với diện tích 60 ha và được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây chính là niềm tự hào, sự thành kính, tri ân sâu sắc và sự đồng lòng, chung tay góp sức của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ LLVT, của đồng bào, đồng chí khắp nơi xa gần. Trong ngôi đền tưởng niệm tọa lạc tại trung tâm khu di tích, tấm bia ghi danh mới có đầy đủ thông tin của 72 liệt sỹ, phần bia trống còn lại vẫn dành để ghi danh các liệt sỹ chưa xác định được thông tin.Từ đây ngoài nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh tâm, nhân dân và du khách thập phương có thể đến thăm lại, tận mắt trải nghiệm nơi diễn ra trận chiến chống càn, tự mình thắp những nén tâm nhang tri ân các anh hùng liệt sỹ tại chính mảnh đất họ đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập tự do cho chúng ta ngày hôm nay.

Gặp gỡ và trò chuyện với Ông Nguyễn Thanh Bình-một cựu chiến  binh  năm nay 69 tuổi sinh sống cùng gia đình tại chân núi Chùa. Được biết,Ông Bình hiện là phó chủ tịch hội người cao tuổi, trưởng đài truyền thanh xã Thanh Tâm. Ông luôn tự hào về những đồng đội của mình và tích cực phối hợp coi sóc bảo vệ đền tưởng niệm và tuyên truyền ý nghĩa lịch sử trận chiến chống càn cho du khách thập phương cũng như các cháu học sinh.  Ông mong muốn ngành chức năng có nhiều giải pháp quảng bá tuyên truyền lan tỏa những giá trị của di tích đặc biệt là trên không gian mạng để nhiều người biết đến nơi này hơn nữa

Bà Phạm thị Nhịn  năm nay cũng gần 70 tuổi, sống tại chân núi Chùa được địa phương chọn cử chuyên việc coi sóc ngôi đền hàng ngày từ khi đền khánh thành đến nay. Bà cho biết gia đình bà có 2 anh chồng và 01 chú bên chồng là liệt sỹ hy sinh tại các chiến trường miền nam và Điện Biên Phủ nay vẫn chưa tìm được mộ; mẹ chồng bà là mẹ VNAH, bà rất vinh dự được chăm lo hương khói cho các anh hùng liệt sỹ hàng ngày tại đây và bà thấy rất tự hào. Chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động của khách thập phương khi đến lễ chùa, viếng thăm đền. Đặc biệt những thân nhân AHLS rất xúc động vì giờ đây người thân của mình đã được chăm lo chu đáo.

 Ông Nguyễn Đức thiện Phó BTTT đảng uỷ -chủ tịch HĐND xã Thanh Tâm cho biết: Địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, phối hợp với ngành chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quy tập, chăm sóc tại nghĩa trang địa phương. Gần đây, được sự quan tâm của các cấp các ngành khu vực đền đã được tôn tạo sáng xanh sạch đẹp. Chúng tôi rất mong muốn khu di tích được kết nối trở thành điểm đến của du khách cùng với các địa danh khác như chùa Cây Thị, Đền thờ tiến sỹ Trương Công Giai, làm sao giáo dục cho các thế hệ con cháu khắp mọi miền về công lao hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ và truyền thống quê hương cách mạng Thanh Tâm  

Theo quan sát và cảm nhận của chúng tôi, Đền thờ các anh hùng liệt sỹ Núi Chùa là đã và đang là khu di tích lịch sử quan trọng được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm chăm lo. Hiện đường vào khu di tích đã được trải bê tông, lắp đặt điện chiếu sáng, trồng cây bóng mát tạo cảnh quan xanh sạch đẹp. Kế bên còn có chùa Cây Thị mới được phục dựng mấy năm gần đây rất quy mô, kiến trúc đẹp, độc đáo. Cách đó không xa là đền thờ Thượng thư tiến sỹ Trương Công Giai tạo thành quần thể danh thắng hàng ngày thu hút rất đông du khách vãng cảnh lễ chùa đặc biệt là dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần.

Được biết trong dịp kỷ niệm 70 năm trận chiến Chanh Chè (21/05/1954-21/05/2024) Huyện ủy-HĐND-UBND- MTTQ và các ngành chức năng huyện Thanh Liêm cùng với cán bộ nhân dân xã Thanh Tâm tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ và dân quân du kích đã tham gia trận chiến năm xưa. Trong đó, đặc biệt nhất là tổ chức lễ cầu siêu  các anh hùng liệt sỹ, tổ chức khắc bổ sung thêm 02 tên liệt sỹ Trịnh Văn Vóc quê Thanh Hóa và Lý Đình Đăng quê Nghệ An vào bia đá thờ tại đền, thăm hỏi tặng quà gia đình chính sách ... Chiến tranh đã lùi xa 70 năm nhưng dư âm cuộc chiến với những người con quê hương Thanh Liêm như mới ngày hôm qua. Hòa bình trở lại lâu rồi, nhưng các anh vẫn nằm đó, yên nghỉ một cách thầm lặng. Máu xương các anh hòa quyện và sống mãi cùng vùng núi Chanh Chè. Họ đã trở thành người con của quê hương Thanh Tâm, Thanh Liêm Hà Nam. Luôn tự hào với truyền thống quê hương, khâm phục, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Mong rằng du khách mỗi khi về với vùng quê cách mạng Thanh Tâm không quên ghé thăm dấu tích xưa cùng cảm nhận và tri ân công lao to lớn các AHLS đã ngã xuống để đất nước nở hoa độc lập kết trái tự do. Để rồi mỗi chúng ta trân quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.  Cá nhân tôi hy vọng rằng, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục trực quan truyền thống anh hùng cách mạng cho các thế hệ chúng ta và ngày càng có nhiều du khách lựa chọn du lịch trải nghiệm, về nguồn đặc biệt là các bạn trẻ, ĐVTN, học sinh, sinh viên những thế hệ măng non được sinh ra trong hòa bình hôm nay. Được về với các anh, được hiểu thêm về truyền thống cách mạng của dân tộc và chính các bạn sẽ là những tuyên truyền viên lan tỏa thông tin về địa chỉ đỏ này tới mọi miền đất nước để có thêm nhiều người biết và về với các anh hùng liệt sỹ, để Núi Chùa còn mãi với thời gian./.