Turn on more accessible mode
Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Turn off Animations

Đình, đền Hòa Ngãi- di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Thông tin cần biết  
Đình, đền Hòa Ngãi- di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Nếu đến với quê hương Hà Nam, bạn nhớ ghé thăm cụm di tích  kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình-Đền Hòa Ngãi. Đây là một trong những điểm đến gắn kết với làng nghề thêu ren truyền thống nổi tiếng trên 100 năm tuổi Thanh Hà, thuận tiện về giao thông và giáo dục ý nghĩa  lịch sử và văn hóa nghệ thuật, nơi sinh hoạt tâm linh cộng đồng dân cư địa phương.



     Đình và đền Hòa Ngãi là tên của thôn Hòa Ngãi xã Thanh Hà  huyện Thanh liêm, tỉnh Hà Nam. Công trình được xây dựng từ thế kỷ XIX để thờ Đinh Lôi- một vị tướng của Lý Bôn đã có công giúp Lý Bôn đánh giặc Lương vào thế kỷ thứ 6 (543) và một vị tướng tên là  Không Hoàng Hộ Quốc ( tương truyền là vị tướng nhà trời có công giúp Lôi Công đánh giặc). Khi Lôi công đem quân về đạo Sơn Lam ông đã đóng quân tại khu đất này và sau khi ông mất nhân dân địa phương lập đền thờ ông. Đồng thời dân làng cũng tôn 2 ông làm Thành Hoàng làng và thờ tại đình Hòa Ngãi. Trong thời kỳ kháng chiến đình và đền Hòa Ngãi đều là cơ sở hoạt động của bộ đội và du kích địa phương, trụ sở của ủy ban hành chính xã Thanh Hà và là nơi sinh hoạt của các đoàn thể quần chúng, nơi tổ chức các cuộc họp triển khai các hoạt động kháng chiến  của Đảng ủy- Ủy ban hành chính xã, nơi mở lớp xóa mù chữ cho dân, nơi đặt hòm phiếu bầu cử HĐND các cấp, nơi nhà máy dệt Nam Định sơ tán... Sau này trở thành di tích ghi dấu lịch sử kiến trúc nghệ thuật, nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư địa phương. Đình và đền nằm cách nhau chỉ khoảng 200 m, tạo thành quần thể di tích. Hàng năm, vào  các ngày lễ trọng, dân làng tổ chức hội làng sôi nổi nhộn nhịp. Nổi bật là  ngày  sinh của  Đinh Lôi mồng 10 tháng giêng và ngày  hóa  của ông 15 tháng 8 và  ngày khao quân 24 tháng 11 ...Đặc biệt trong dịp này nhân dân thôn Hòa Ngãi  tổ chức với quy mô lớn và vẫn duy trì mối giao hảo với nhân dân thôn Nguyễn Trung của xã Liêm phong và thôn Vực  xã Liêm Cần cùng huyện Thanh Liêm. Theo lý lịch di tích còn lưu, thôn Nguyễn Trung là quê nội của Đinh Lôi, Hòa Ngãi là quê ngoại. Sở sĩ có tục giao hảo đẹp giữa 3 thôn là vì trước đây khi rước kiệu  sang quê nội Nguyễn Trung đường đi phải qua thôn Vực. Những ngày này dân làng tổ chức rước kiệu  Lôi Công Đại Vương (Đinh Lôi) và Không Hoàng Hộ Quốc từ  Đình Hòa Ngãi đi qua thôn Vực rồi sang Nguyễn Trung, tổ chức tế lễ tại đình Nguyễn Trung. Sau đó  mời đại diện thôn Nguyễn Trung  cùng rước thánh về Hòa Ngãi  và tổ chức tế lễ. Đám rước có đội khiêng kiệu, đội múa lân... kể đến ba bốn trăm người.  Con trai mặc trang phục quần trắng  áo the, đầu chít khăn, đi giày Chí Long. Con gái  áo tứ thân, nón quai thao. Sau đó mới rước kiệu thánh sang đình Hòa Ngãi tế lễ tưởng nhớ công lao của hai ông với dân với nước và tổ chức phần hội. Dịp này có thể tổ chức từ  2 đến 3 ngày tùy từng năm với các trò chơi dân gian thú vị, lành mạnh như cờ người, kéo co, leo dây, múa rối, hát chèo, hát ả đào .Nay thêm các hoạt động văn hóa thể thao như cầu lông, bóng chuyền.... Điểm đặc biệt thú vị ở đây phải kể đến là trong lễ tiết giao tiếp người dân ở 3 thôn gặp nhau dù là già hay trẻ đều gọi nhau là bác để tỏ ý thân tình.  Đến nay không chỉ là ngày sinh, ngày hóa của thần mà cứ hễ có việc làng là nhân dân 3 thôn lại mời nhau đến dự. Trong các ngày lễ này tên húy của thánh  cấm không được dùng chữ “Lôi". 

    Về kiến trúc thì đình và đền Hòa Ngãi là công trình  được xây dựng từ đời nhà Nguyễn với phong cách kiến trúc tiêu biểu đầu thế kỷ 19. Đề tài  trên các mảng trạm khắc  ở cả đình và đền đều tập trung  vào “ tứ Linh"; “Tứ Quý", trải qua thời gian và biến cố thăng trầm của lịch sử đã có phần ảnh hưởng. Tuy vậy những nét kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhiều lần nhân dân địa phương tổ chức rôn tạo để bảo tồn đã tận dụng nguyên vật liệu cũ và tôn trọng thiết kế cổ, giữ nguyên địa điểm, bảo tồn kểu dáng công trình xưa, Ngoài ra, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phát tâm công đức của nhân dân. Đình và đền còn được tôn tạo, bổ sung thêm nhiều đồ thờ tự đẹp, duy trì kiến trúc cổ mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam.

    Đình Hòa Ngãi được làm theo kiệu chữ nhị, tiền đường 5 gian và hậu cung ba gian. Đình tọa lạc trên diện tích 1146m2 ngay đầu làng. Trước mặt là con kênh và đường liên huyện song song chạy qua. Bên phải là cây đề cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm tạo cảnh quan cho ngôi đình vừa đẹp, mát và cổ kính.  Mặt đình quay hướng đông, Trước mặt là hàng cột đồng trụ tả môn và hữu môn. Tiếp đến là khoảng sân rộng được lát bằng gạch đỏ đẹp mắt. Tòa tiền đường quy mô khá lớn . Công trình theo phong cách thời hậu Lê . Mái cong nhưng hầu hết các cấu kiện kiến trúc được làm lại vào thời Nguyễn. Thiết kế mái kiểu chồng rường , giá chiêng. Mái lợp ngói nam- một loại ngói cổ, mũi ngói dày có đường rãnh tựa như móng rồng vừa khỏe vừa đẹp mắt. Ngói được lợp phẳng phiu đúng hàng, thẳng mũi  trải dài về 4 góc cong.  Phía trên bờ nóc, bờ dải được đắp nổi  các hình con giống như đầu kìm, ly chạy, long mã bằng sành, phía đầu đao vuốt hình đầu rồng quay vào bờ nóc phía dưới đắp hình con phượng ngước đầu  lên nhìn rồng. Ngoài ra, toàn bộ khung cột được làn bằng gỗ lim già, chân cột được kê bằng đá xanh. Kiến trúc trạm khắc ở đình chủ yếu quy tụ đề tài tứ linh, tứ quý như Tứ quý hóa ly, cúc hóa ly, tùng hóa ly... vừa độc đáo vừa đẹp mắt. Hậu cung 3 gian được làm kiểu chồng rường. Phần trạm khắc trên các vì kèo đơn giản chủ yếu là chủ đề  hoa lá cách điệu. Cách đình khoảng 200 m là đền Hòa Ngãi tọa lạc trên diện tích 4686 m2 ở trung tâm của làng. Bên phải có chiếc ao rộng soi bóng đình cổ tạo vẻ trầm mặc cổ kính. Phía trước đình có cây thị  nên còn có tên gọi khác là đền Cây thị. Trong khuôn viên của đền còn có giếng hình bán nguyệt. Đền có bố cục kiểu chữ tam. Tiền đường 7 gian, trung đường 3 gian và hậu cung 3 gian. Thiên Hương được nối từ Tiền đường-Trung đường. Công trình được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Vua  Tự Đức năm thứ 4 năm 1851.  Các mảng kiến trúc này được liên kết với nhau  thành hệ thống liên hoàn có bố cục chặt chẽ  từ tiền đường đến hậu cung. Hiện cả đình và đền Hòa Ngãi còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị như : Khám  thờ, ngai thờ, đại tự, bát hương, bia đá, bài vị, sập thờ, câu đối, kiệu long đình, chấp kích, cuốn thư, chúc thư, thần phả, sắc phong...

     Từ những giá trị tiêu biểu trên. Năm 2000 cụm di tích đình và đền Hòa Ngãi đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật và giao cho UBND các cấp thực hiện quyền quản lý, bảo tồn phát huy giá trị để phục vụ nhân dân mọi nơi đến thăm quan chiêm bái.  Nếu muốn ghé thăm và trải nghiệm du khách có thể gắn tua du lịch Tam Chúc Ba Sao- Làng nghề thêu ren Thanh Hà- Bái Đính Ninh Bình rất thuận tiện. Lộ trình bạn có thể đến với thôn Hòa Ngãi từ nhiều đường khác nhau: Từ  Hà Nội -bến xe Phủ lý đi đường DT 494 còn gọi là đường vành đanh N2 khoảng 5 km; cũng có thể xuôi từ thành phố Phủ lý theo quốc lộ 1A hướng Ninh Bình đến ngã tư Kiện Khê khoảng 6km rẽ trái hon 1 km là đến.  ​


Xem cỡ chữAA
EMC Đã kết nối EMC