Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Về với danh thắng Đình - chùa Châu

Thông tin cần biết  
Về với danh thắng Đình - chùa Châu
Từ thành phố Phủ Lý đi xuôi về phía Ninh Bình, theo quốc lộ 1A khoảng 4km đến ngã tư Kiện khê, du khách rẽ phải theo đường quốc lộ 21 còn gọi là đường tránh thành phố hơn 1 km nữa là đến cụm di tích Đình và chùa Châu thuộc tiểu khu Châu Giang thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
72.jpg

Theo lý lịch di tích còn lưu giữ tại đây Đình Châu thờ Điện súy Tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng đời Trần với gần 30 năm phò các triều  Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông.

Phạm Ngũ Lão là một tướng tài của nhà Trần, ông có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông, có sáng kiến dùng gậy đâm vào chân voi, phá tan đại binh của quân Ai Lao, rất có công trong các trận đánh Chiêm Thành. Một lần trên đường đi đánh Chiêm Thành, khi hành quân qua sông Hát trên đất Kiện Khê, ông gặp gỡ và đem lòng yêu một cô gái trẻ con nhà thuyền chài và cưới cô làm vợ. Người vợ trẻ quen sông nước này đã giúp ông rất nhiều trong việc quân và được ông hết lòng yêu quý. Khi Phạm Ngũ Lão mất, ông được hưởng ân điển quốc tang, những nơi thờ ông được xây dựng rất uy nghiêm, to lớn. Tại thôn Châu, nay là tiểu khu Châu Giang thị trấn Kiện Khê, có một ngôi đình thờ ông rất lớn, bên cạnh đó, lại có đền nhỏ sát chân núi thờ ông đó là đền thờ Thủy Tinh phu nhân, người vợ đất Kiện Khê của ông.  Ông Trần Hữu Ích một người con họ Trần tại tiểu khu Châu Giang phấn khởi cho biết: Tôi rất tự hào là một người con họ Trần và là người địa phương với truyền thống hào khí Đông A địa phương chúng  tôi được công nhận là một nơi di tích lịch sử văn hóa, chúng tôi càng phải phát huy và sống để làm việc theo truyền thống của người con họ Trần. Chúng tôi rất mong muốn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tổ chức đoàn thể của nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho di tích lịch sử chúng tôi ngày được phát triển và lan tỏa truyền thống này để mọi người trên toàn đất nước, kể cả thế giới biết đến

Đình thôn Châu nằm quay mặt ra sông Đáy, là công trình to lớn tốn hàng trăm khối gỗ lim. Với nhiều bàn tay, khối óc tài giỏi, khéo léo họ đã tạo được bộ khung to, lớn đục chạm được nhiều mảng điêu khắc gỗ rất thành công.

 Ngoài cùng là cổng Tam Quan. Công trình này làm theo kiểu chồng diêm ba tầng, mái cong. Cách một khoảng sân rộng là công trình chính được kiến trúc theo kiểu chữ tam, tiền đường 5 gian, tòa đệ nhị 5 gian và cung chính tẩm 3 gian. Tổng số có 13 gian, lợp ngói nam có bờ bảng kìm nóc, đồng trụ hài hòa, trang trí công phu. 

Cũng như các ngôi đình chùa khác, đình Châu có tòa tiền đường to lớn, được gia công nghệ thuật nhiều hơn cả.Tòa tiền đường của ngôi đình này đã được tu sửa nhiều lần. Tuy vậy  vẫn bảo tồn vốn cổ dân tộc. Điển hình như một số mảng chạm khắc cách điệu, vân ám, lá hỏa cùng một số hình ảnh ly mẹ, ly con đỡ những hàng mành mới. Hình ảnh rồng mẹ quyến luyến rồng con hay còn gọi là mẫu long giáo tử. Rồng, ly âu yếm nhau, ly cắn chân rồng được cài xen các đám mây trông rất sinh động là sản phẩm thế kỷ 17, 18 rất có giá trị nghệ thuật.

Ngoài ra trên các vì khác, đặc biệt là hai vì gian giữa với các đề tài tứ linh, long chầu, theo các kiểu dáng khác nhau thật khéo léo. Nghệ nhân dân gian đã diễn tả một cách mang tính thẩm mỹ những đôi phượng múa, những tốp ly nghịch ngợm, vô tư chạy nhảy, luồn sau ngó trước hồn nhiên. Các mảng chạm khóm trúc hóa long, cảnh cúc hóa long rất tài nghệ, cảnh tùng hạc (cây tùng con hạc), cúc điệp (bướm vờn trên hoa cúc) cũng được thể hiện kỳ công.

Đình Châu cũng có nhiều đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao, biểu hiện của nghệ thuật sơn then độc đáo truyền thống của dân tộc. Hai cỗ ngai  từ thời Hậu Lê tại chính tẩm là loại đồ thờ cỡ lớn, cao 1,4m được tạo dáng độc đáo. Tay ngai chạm long chầu khỏe khoắn, sinh động. Sáu trụ đỡ tay ngai với họa tiết rồng leo và đường chỉ, đường viền sắp xếp hợp lý đã tạo nên sự hài hòa, chắc khoẻ mà vẫn nhẹ nhàng thanh thoát. Những đồ thờ có giá trị nghệ thuật kể trên, đều được sơn son thiếp vàng. Đây cũng là một nghề sơn then độc đáo truyền thống của dân tộc.

Tục truyền trong dân gian còn cho biết, trước đây trên núi Thiên Kiện có cây tùng cổ có rồng quấn ở trên, vua Trần Thái Tông đã cho lập hành cung tại đây. Còn vua Trần Đế Nghiễn lại chọn động Phúc Long nằm trong lòng núi để cất giấu tiền đồng. Theo các cụ già kể lại, trước kia dân làng nạo vét giếng cổ và tu bổ khuôn viên còn gom được từng bao tiền đồng cổ nhưng đã bị hoen gỉ nên không bảo quản được. Hiện trên núi vẫn còn các hang sâu dấu vết của nơi cất dấu tiền đồng. Ở đây, ngoài đình và đền đều thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão còn có ngôi chùa nằm sâu trong vách đá giống như viên ngọc nằm trong miệng rồng. Đây chính là Chùa Châu có tên là Châu Sơn Tự ( nghĩa là ngôi chùa trên núi Châu) hoặc Long Sơn Tự (hay Chùa núi rồng). Đằng trước chùa có hai tòa phủ đứng biệt lập thờ Thủy Tinh Phu nhân và Bạch Hoa công chúa. Theo văn bia Chính Hòa thứ 11 (1690) đục ngay vào vách đá thì đây là bia công đức ghi việc Pháp Bản thiền sư cùng dân thôn bốn giáp tu sửa tượng pháp và hoạch định lại ruộng đất tam bảo. Điều này chứng tỏ chùa được xây dựng từ khá sớm nhưng chủ yếu dựa vào hình dáng thiên tạo. Hiện nay chùa có 3 tòa, làm theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, tổng số có 10 gian xây cuốn. Ngoài cùng là gác chuông 3 gian, làm kiểu chồng diêm mái cong, ngói ống, cột đồng trụ và bờ bảng theo phong cách cổ truyền.

Chùa quay hướng nam, phía tây giáp 3 gian đền thờ Phạm Ngũ Lão, phía đông có 5 gian nhà tổ, tiếp đến là nhà phủ, nhà khách, nhà bếp. Đằng trước có 2 tòa phủ đứng biệt lập thờ Thuỷ Tinh phu nhân và Bạch Hoa công chúa, gồm 5 gian. Như vậy, cả khu vực chùa gồm 30 gian lớn nhỏ. Phía trước chùa có hồ và sân rộng, tiếp đó là đường chính đạo ra cổng. Trong sân chùa có nhiều cây trái lưu niên, kết hợp với cỏ cây, núi hang tạo thành cảnh quan u tịnh. Chùa Châu có nhiều tượng không thật lớn nhưng đẹp như tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Di Lặc, tượng Tuyết Sơn, tượng Kim Cương. Ngoài ra, ở đây còn có một số đồ thờ bằng đá như bát hương mâm bồng, bình hương được làm công phu, dáng dấp và hoa văn thể hiện trình độ tay nghề cao và óc sáng tạo đa dạng. 

Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được  Miếu thờ hai bà gồm Ngọc Hoa  công chúa con của Tiết chế Trần Hưng Đạo và Thuỷ Tinh phu nhân tức cô gái xóm chài làng Tháp.  

Từ những điển tích trên, để tưởng nhớ công ơn của các vị tiền bối có công phò vua giúp nước, hàng năm cứ vào ngày 14-15/3 âm lịch nhân dân địa phương lại tưng bừng mở hội. Với các lễ rước kiệu thánh qua các đền xóm trong tiểu khu, dâng hương, kính tế chư vị tôn thần, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.Trong khuôn khổ  lễ hội đình, chùa Châu nhân dân vẫn còn lưu giữ được những trò hội truyền thống, như: tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co, đánh cờ người, đua thuyền chải…thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia. Nói về truyền thống của địa phương, ông  Dương Văn Quân trưởng tiểu khu Châu Giang cho biết: Hàng năm tổ chức lễ hội truyền thống hai làng chúng tôi là tiểu khu Châu giang và tiểu khu Tháp theo truyền thống các cụ để lại thành  nếp văn hóa là giao hiếu lễ hội với nhau. Để tổ chức việc đó tốt thì chúng tôi chuẩn bị trước đó hàng tháng và trong năm thì chúng tôi là có ngày 12/10 cũng là ngày để kị nhật của hai bà Bạch hoa Công chúa và Thủy Tinh phu nhân đội tế nữ của làng lại tế. Sau đó đến ngày 21/11 là cũng ngày kỷ nhật của Thành Hoàng làng, nét đẹp ngàn đời các cụ để lại thì chúng tôi vẫn  duy trì  phát huy những truyền thống đó và giữ gìn  để làm sao cho các con cháu lớp sau là cũng nhớ hơn những người có công với đất nước cũng như là tri ân các vị tiên tổ 

Ngoài các điển tích trên, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân khu III đã chọn Chùa Châu làm công binh xưởng rèn đúc vũ khí đạn dược cung cấp cho tiền tuyến. Đây cũng chính là nơi Thiếu tướng Hoàng Sâm về họp bàn chỉ đạo cuộc luyện quân năm 1947, là nơi mở lớp đào tạo y, bác sĩ  khoá đầu tiên của nước ta do giáo sư Hoàng Đình Cầu phụ trách. Nơi đây từng được đón tiếp Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười về động viên nhân dân đóng góp nhân tài, vật lực chi viện cho tiền tuyến. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhất là qua những năm chiến tranh phá hoại của giặc, nhân dân Châu Giang vẫn giữ gìn được một di sản văn hoá có giá trị là  “Quần thể di tích đình, chùa Châu". Khuôn viên đình chùa Châu giờ đây được tu bổ khang trang rộng rãi, là nơi tổ chức các hoạt động của của cộng đồng dân cư trong tiểu khu. Sân đình còn được bổ sung các dụng cụ luyện tập thể thao, điện thắp sáng. Ngày lễ tết, huý kỵ Thành Hoàng làng được nhân dân chăm lo chu đáo. Bốn mùa xuân hạ thu đông các câu lạc bộ Chèo, bóng chuyền da, dân vũ… được các thế hệ người dân rộn ràng tập luyện  rèn luyện sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần.

 Ông Hoàng Minh Đức phó chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho biết : Cụm đình và chùa Châu của chúng tôi đã được nhà nước xếp hạng. Ban chấp hành đảng bộ thị trấn huyện Khê định hướng phát triển thị  trong chuỗi du lịch tâm linh đến năm 2030 của huyện Thanh Liêm. Để làm tốt được việc này  địa phương chúng tôi duy trì các nét đẹp của truyền thống của lễ hội hằng năm vào ngày 15 tháng 3 và ngày 21/11. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tập trung các nguồn lực từ nhân dân tu bổ, tôn tạo để di tích xứng tầm với định hướng phát triển du lịch của huyện Thanh Liêm cũng như tỉnh Hà Nam  trong thời gian tới.​

Với thắng cảnh sông núi thơ mộng, hữu tình, chùa chiền, đình đền trầm mặc gắn với vị tướng quân văn võ song toàn khiến nơi đây thời Pháp thuộc, Viễn Đông bác cổ đã liệt hạng là cổ tích danh thắng. Ngày 05/02/1994 khu di tích Đình, đền và miếu Châu Giang đã được Bộ văn hoá thông tin và du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá thắng cảnh. Ngày 26/8/1996 khu di tích làng Tháp thờ Phạm Ngũ Lão và phu nhân được sở Văn hoá thông tin và du lịch công nhận di tích lịch sử văn hoá.

 Việc bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể tại quần thể di tích Đình chùa Châu là thật sự cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cho nhân dân mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước từ ngàn xưa cho các thế hệ mai sau. Quảng bá muôn nơi về một địa danh lịch sử, một miền ký ức đất và người  Kiện Khê nói riêng, Thanh Liêm Hà Nam nói chung, giàu bản sắc văn hoá.Tạo thành địa chỉ đáng nhớ trong chuỗi hoạt động du lịch tâm linh phục vụ du khách gần xa khi đến với Hà Nam./.