Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trinh Sơn Tự xuân về

Tin tức - Sự kiện Văn hóa - Xã hội  
Trinh Sơn Tự xuân về
28.jpg

Núi Trinh Tiết ở bờ bên trái sông Đáy cùng các ngọn núi khác quần tụ, hợp với dòng nước uốn lượn trong xanh thành bức tranh sơn thuỷ hữu tình; toạ lạc trên lưng chừng núi là chùa “ Phật tích" hay còn gọi là Chùa Trinh Tiết thuộc thôn Tri Xuyên, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm; nơi thờ tự công chúa Bạch Hoa – người con gái tài sắc, thương yêu dân lành. Mời quý vị và các bạn cùng về thăm ngôi Chùa này.

Kẽm Trống - thắng cảnh nên thơ đã được xếp hạng từ năm 1962, một trong 5 danh thắng tiêu biểu của tỉnh Hà Nam, nằm bên quốc lộ 1a cách thủ đô Hà Nội gần 80km về phía nam.

Thế kỉ XVIII, Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ nôm, nhân một lần ghé thăm Kẽm Trống, trước phong cảnh trời nước hữu tình, núi sông ngoạn mục đã sáng tác giả bài thơ :

                          “Hai bên thì núi giữa thì sông

                       Có phải đây là Kẽm Trống không

                          Gió đập sườn non khua lắc cắc

                       Sóng dồn mặt nước vỗ long bong…"

Trong số các du khách vãng cảnh chùa có vua chúa, các tao nhân, mặc khách và nhiều người nổi tiếng trên văn đàn thủa trước. Tại chùa và trong dân gian còn lưu trữ nhiều bài thơ đề vịnh chùa Trinh Sơn, giàu giá trị văn học.

Tháng 11 năm Canh Tuất (1430), vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cầm quân đi đánh Bế Khắc Triệu, Nông Đắc Thái ở Châu Thạch Lâm (Cao Bằng ngày nay). Thuyền ngự dừng nơi Kẽm Trống vua lên núi Bổ Đà vãng cảnh và để lại bài thơ: “ Đề chùa Phật Tích"

“Sân chùa lá đỏ đang rơi

Chiều hôm lên núi nghỉ ngơi sao buồn

                 Rêu phong gạch ngói xanh rờn…

           Nhà Trần công chúa phụng thờ có thiêng

                 Phò cho một xứ hương thôn

          Chấn hưng cơ nghiệp tiền nhân dựng nền.

 

 

 

Đã bao đời nay du khách gần xa thăm quan, vãng cảnh Kẽm Trống không quên một cổ tích của quần thể danh lam thắng cảnh này, đó là chùa Trinh Sơn tọa lạc ở lưng chừng ngọn Bổ Đà, thuộc dãy núi Cẩm Long, là nơi tích tụ khí thiêng của trời và tinh túy của đất.

Theo các tư liệu lịch sử, công chúa Bạch Hoa sinh năm Nhâm Tuất (1382), là con gái của Chiêu Định Vương (tức vua Thuận Tông nhà Trần) và thứ phi Diệu Hiền. Công chúa Bạch Hoa rất hiếu học, thông làu các sách kim cổ. Khi Chiêu Định Vương lên ngôi vua năm 1388, Bạch Hoa tuy còn nhỏ nhưng đã khuyên cha nhiều việc như: giảm nhẹ thuế nông, khuyến dân cày cấy, đặt các trạm tuần kiểm thu thuế buôn bán, kén người hiền tài giúp nước. Năm 1397, quyền thân Hồ Quý Ly thâu tóm quyền binh trong chiều ngoài lộ, ép vua Thuận Tông phải rời kinh về Tây Đô( huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ) . tháng 3 năm Mậu Dần 1398 Hồ Quý Ly bắt Vương đi tu nhường lại ngai vàng cho con trai là Trần Án khi đó mới 3 tuổi. Không lâu sau đó, Hồ Quý Ly cướp ngôi vua và truy sát những người trong tông tộc họ Trần. Bấy giờ, công chúa Bạch Hoa chị gái của Thái tử mới 17 tuổi vô cùng xinh đẹp; được Hồ Nguyên Trừng thương tình, cho người đem thuyền chở đi lánh nạn, chạy về Kẽm Trống, tới ngọn Bổ Đà, để nàng ẩn tích trên một am chùa nhỏ thờ Phật và lấy pháp danh là Thu Thu. Am chùa nhỏ này có tên là Diên Bình Tự, đã bỏ hoang nhiều năm, ngói xô rêu phủ

Tương truyền, công chúa Bạch Hoa ở trên núi Bổ Đà, ăn cơm gạo đỏ, uống nước hạt bách hoa cúc. Đêm ngày, công chúa tụng kinh niệm Phật cầu cho mọi người chung sống yên vui trong cảnh thanh bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cùng với đó Công chúa Bạch Hoa thường xuyên chèo thuyền sang thăm bên hữu sông Đáy, vào rừng leo núi hái lá cây làm thuốc, chữa bệnh cho người nghèo khó. Rồi về sau bà cũng thác tích ở đây.

Chùa thấp nhỏ mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Chùa có tòa chính tẩm được bài trí 5 lớp tượng. Dưới cùng là tòa Cửu long, lớp thứ 2 là pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, lớp thứ 3 là pho tượng nữ giới tạc theo kiểu Phật A Di Đà, lớp thứ 4 là ba pho Tam thế, trên cùng là tượng Phật. Tượng Bạch Hoa công chúa được tạc bằng đá, theo kiểu Phật A Di Đà trong tư thế ngồi thiền như người thật, cao 1,2m, tay trái để ngửa, tay phải úp lên đầu gối.

 Kề bên phải chùa có ngôi miếu nhỏ, trong đặt pho tượng Sơn thần. Ngay sát phía dưới lối lên chùa, có tảng đá hình con voi quỳ giống y như thật. Trên đường lên núi có miếu nhỏ, trong đặt pho tượng tổ sư Thu Thu tạc từ đá Bạch Ngọc.  Trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian; ngôi Chùa đã nhiều lần được trùng tu nhưng vẫn giữ được không gian cổ kính và kiến trúc vốn có

Trải qua thời gian, các vị sư tổ kế tiếp nhau trụ trì. Với lòng thành kính cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay tâm đức của các phật tử. Năm 2010, đại đức Thích Thanh Hưng trụ trì chùa Trinh Sơn tiếp tục tôn tạo, các hạng mục đã xuống cấp của ngôi chùa như: đã kè bờ hồ; xây dựng được lầu Quan âm, xây dựng được 7 gian nhà Tăng đường, xây dựng nhà Phật tử, xây dựng khuôn viên khang trang sạch sẽ.

Lễ hội chùa Trinh tiết thôn Tri Xuyên- xã Thanh Hải nằm trong quần thể danh thắng kẽm Trống, được tổ chức từ ngày mùng 4 – 6 tết hàng năm; với phần lễ và phần hội. phần lễ gồm : lễ dâng hương, lễ phật, lễ tế thánh mẫu. Phần hội là các trò chơi dân gian: múa sư tử, chọi gà, kéo co, cờ người....Lễ hội chùa là điểm sinh hoạt văn hóa mang tính tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành tập quán lâu đời của nhân dân. Việc tổ chức lễ hội có ý nghĩa sâu sắc, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách thập phương được tham quan, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc nghệ thuật của danh thắng.

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về mai đào khoe sắc thắm, phật tử cùng du  khách địa phương lại trảy hội du xuân về với chùa Trinh Tiết để dâng lên công chúa Bạch Hoa một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hay thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên non nước hữu tình của vùng đất tâm linh.