Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đền thờ Thượng thư tiến sỹ Trương công Giai – di tích lịch sử lưu niệm danh nhân

Giới thiệu chung  
Đền thờ Thượng thư tiến sỹ Trương công Giai – di tích lịch sử lưu niệm danh nhân
Xuôi từ thành phố Phủ lý  theo quốc lộ 1A hướng đi Ninh Bình khoảng 14 km đến Phố Cà thuộc xã Thanh Nguyên, tiếp tục rẽ trái theo đường tỉnh lộ 495 khoảng 3 km là ngã ba Trà Châu rồi rẽ trái theo đường liên thôn khoảng 1 km du khách sẽ  gặp dưới chân dãy núi Chanh Chè thấp thoáng đền thờ liệt sỹ Núi Chùa, kế bên khoảng 200 m là đền thờ Thượng thư tiến sỹ Trương Công Giai. Một người con xuất chúng của quê hương Thanh Tâm

         

          Theo tư liệu của dòng tộc họ Trương hiện đang lưu giữ tại di tích  và thần tích thần sắc đình Trà Châu thì Thượng thư Trương Công Giai sinh ngày 19/11 năm Ất Tỵ 1665 tại xã Thiên Kiện, tổng Mai Cầu, huyện Thanh Liêm, phủ lý Nhân, tỉnh Hà Nội. Nay là xóm Kho Núi thôn Sở Núi xã Thanh Tâm huyện Thanh Liêm Tỉnh Hà Nam. Ông là hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ Trương ở đây (Tích xưa, cụ tổ họ Trương là Trương Công Tào người Quảng Tây Trung Quốc làm quan Bộ Lễ trong triều Vua Lê Thái Tổ 1428)  Phục vụ triều đình qua 4 đời Vua nên được Vua ban đất quan điền  tại Trấn Sơn Nam và lấy tên hiệu là Thiên Kiện và gây dựng dòng họ Trương tại đây. Khi mất ông được an táng tại gò Cây Thị thuộc cánh đồng Dinh  gần dinh thự của ông  tại Trà Châu Thanh Tâm ngày nay. Cha của Trương công Giai là Trương Chí Tường – Một danh y nổi tiếng trong vùng; ông nội là Trương Chí Tín làm quan tri huyện Thanh Liêm. Trương Công Giai thuở nhỏ được người dân trìu mến gọi là “thần đồng" bởi  học tài, thông minh, ứng xử tài hoa, lễ phép hơn người. Lớn lên ông tham gia lần lượt các kỳ thi Hương, thi Hội và Thi Đình. Năm 20 tuổi ông đã đỗ “ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân" niên hiệu Chính Hòa thứ 6 đời vua Lê Hy Tông. Ông cũng là một trong 3 tiến sỹ trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến được triều đình nhà Lê ghi danh trên bia đá  số 50 tại Văn Miếu Quốc tử Giám tp Hà Nội. Sau khi đỗ tiến sỹ dưới đời  Vua Lê Hy Tông, Lê dụ Tông được giao nhiều trọng trách trong triều đình như : Công bộ hữu thị lang- quan chuyên lo quản lý điều hành phát triển sản xuất nông phẩm và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp;; Đô ngự sử- chuyên lo can gián nhà vua hoặc luận tội các quan văn võ; Thượng tướng – quản lý việc giữ gìn an ninh quốc gia tương đương tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang ngày nay; Thượng thư bộ hình- chức quan đứng đầu bảo vệ uy quyền và điều hành pháp luật của triều đình và được ban tước Quận Công; Quốc Tử Giám Tế tửu - hiệu trưởng trường Quốc học kinh đô Thăng Long....Tổng cộng Thượng thư Trương Công Giai có 43 năm làm quan giữ nhiều trọng trách trong triều đình. Ông đã nhận thức được vị trí quan trọng của người làm quan trong xã hội và đã nêu cao quan điểm và cách ứng xử thông minh, thấu tình đạt lý với triều đình và xã hội tạo niềm tin trong dân chúng. Bên cạnh đó Thượng Thư Trương Công Giai còn luôn quan tâm tới sự phát triển của quê hương như khuyến khích động viên dân làng khai khẩn đất hoang mở mang trồng trọt, quai đê trị thủy, đề nghị triều đình miễn thuế cho dân nghèo gặp thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy mà người đương thời đã tôn vinh ông là tấm gương tiêu biểu, tài đức vẹn toàn, một vị quan thanh liêm cương trực, suốt đời vì dân vì nước, cống hiến nhiều công lao cho nền giáo dục nước nhà cho con cháu đời đời noi theo. Ngày 8/2 năm Mậu Thân 1728 ông mất, hưởng thọ 63 tuổi. Tên Chữ của ông là “Đoan Lượng" nên khi mất ông được Vua ban tên Thụy là “Hiên Hoát tiên sinh" và được truy phong hàm “Thiếu bảo". Dân làng Trà Châu suy tôn ông là Thành hoàng làng rồi lập đình thờ phụng tại trung tâm dinh thự họ Trương xưa ở chân núi Chanh Chè.  Hiện tại đền thờ ông còn lưu  một đạo sắc thời vua Khải Định ban hành ngày 25/7/1924 phong làm Thành hoàng- bậc Thượng đẳng thần. Năm 2014 trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc tử giám tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học mamg chủ đề “Tế tửu Quốc tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam". Tại hội thảo này một lần nữa khẳng định Trương Công Giai  là một người văn võ song toàn, có nhiều công lao với quê hương đất nước, công trạng của ông được lưu truyền sử sách để giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam. Từ lâu tên họ của ông đã được  nhiều nơi trên  cả nước trong đó có TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam lấy để đặt tên cho trường học, đường phố... để lưu truyền về sau. Ngày sinh và ngày mất của ông hàng năm được người trong dòng tộc và nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, dâng hương nhằm ôn lại lịch sử, thân thế và sự nghiệp vẻ vang của người con của quê hương với dân với nước, giáo dục truyền thống yêu nước thương dân cho các thế hệ mai sau.

          Ngược dòng thời gian tìm hiểu về di tích đền thờ Thượng thư Trương Công Giai. Trong lý lịch di tích tại đền thờ còn lưu: Trước kia đền thờ Thượng Thư Trương công Giai được xây dựng tại chân núi Chanh Chè thuộc khu đất Vua ban cho dòng tộc họ Trương, cách đền thờ ngày nay khoảng 200 m về phía đông. Do ảnh hưởng của thời gian mưa gió đã làm sạt lở, đến năm  2005 được  chính quyền và nhân dân di dời về vị trí hiện tại chân núi A Hồ thuộc dãy Chanh Chè. Đền được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền gồm hai tòa:  Tiền đường 3 gian và hậu cung 3 gian. Mái tiền đường tạo chồng diêm 2 tầng 8 mái, lợp ngói nam theo kiến trúc cổ truyền. Trong hậu cung thờ  cụ tổ họ Trương là Trương Công Tào và thượng thư Trương Công Giai bằng ngai có bài vị bằng gỗ, tượng đồng cùng nhiều hiện vật khác. Khuôn viên có diện tích 200 m2 gồm các công trình đền chính, nhà thờ cô tổ họ Trương, cổng đền và nhà bia. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc đền thờ còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị  như câu đối, cuốn thư, cửa võng, ngai, tượng... được chế tác từ  nhiều chất liệu khác nhau, rồng phượng trạm khắc tinh tế công phu toát lên vẻ bề thế, uy nghiêm cương trực mà vẫn giữ được nét mềm mại cổ xưa. Chính vì thế nơi đây đã trở thành nơi lưu giữ giá trị lịch sử, nơi vinh danh những công lao của Thượng Thư Trương Công Giai cho đất nước, dân tộc, nơi bảo tồn giá trị văn hóa giáo dục không chỉ của dòng họ Trương mà còn của nhân dân quê hương Thanh Tâm nói riêng và cả nước nói chung, Không những thế, đền thờ danh nhân còn gắn kết chặt chẽ với quần thể di tích lịch sử ghi dấu nơi lập căn cứ, chiêu mộ nghĩa binh  tổ chức khởi nghĩa chống thực dân Pháp  và tay sai của thủ lĩnh nghĩa quân Ba Đình Đinh Công Tráng - người con quê hương thôn Nham Tràng xã Thanh Tân huyện Thanh Liêm; Nơi ghi dấu cơ sở hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa của quê hương Thanh Liêm như : Trần Tử Bình, Phạm Phú Thu, Phạm Sinh.... Nơi đóng quân luyện tập sẵn sàng chiến đấu của trung đội tự vệ của ủy ban cách mạng huyện Thanh Liêm  năm 1945, nơi đặt xưởng sản xuất vũ khí của cách mạng cung cấp ra các chiến trường những năm 1946-1949. Đặc biệt là nơi ghi dấu lịch sử những trận càn đẫm máu của thực dân Pháp tại núi Chanh Chè vào  cơ sở hậu cần và tiêu diệt lực lượng vũ trang  của ta nhưng đã bị  bộ đội chủ lực và dân quân du kích của ta đánh  cho thất bại nặng nề trong trận Chanh Chè ngày 21/5/1954.

       Nhằm bảo tồn gìn giữ các giá trị to lớn của di tích. Năm 2021 UBND tỉnh Hà Nam đã cấp bằng công nhận di tích lịch sử lưu niệm danh nhân đền thờ Thượng Thư  tiến sỹ Trương Công Giai và giao cho  chính quyền, nhân dân địa phương và dòng họ Trương thuộc thôn Sở Núi xã Thanh Tâm quản lý và bảo vệ. Đây sẽ là điểm đến ý nghĩa, để giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học cho các thế hệ và cũng là danh thắn lịch sử để mọi người dân khi đến với huyện Thanh Liêm và tỉnh Hà Nam  có thể viêng thăm chiêm bái./.