Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thanh Hà - Làng nghề thêu ren truyền thống -niềm tự hào của người dân Thanh Liêm

Giới thiệu chung Di tích lịch sử, danh thắng  
Thanh Hà - Làng nghề thêu ren truyền thống -niềm tự hào của người dân Thanh Liêm
Nghề thêu ren truyền thống ở xã Thanh Hà xuất hiện cách đây khoảng hơn một thế kỷ (1893).  Bắt đầu từ các thôn An Hòa và Hòa Ngãi. Đến nay, nghề thêu chẳng những đã lan rộng ra toàn xã  mà còn tạo việc làm cho người lao động ở nhiều địa phương lân cân. Đồng thời làng nghề thêu ren Thanh Hà cũng được xác định  thuộc danh mục các dự án được ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Ngày 27/5/2021 Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã cấp chứng nhận: Nghề thêu ren Thanh Hà  được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể  quốc gia.



     Theo tư liệu địa phương, cụ Nguyễn Đình Thản  sinh năm 1886, người thôn An Hòa là người đã đi học hỏi và đưa nghề thêu về truyền dạy cho con cháu và nhân dân trong làng, từ đó nghề thêu ren ngày càng phát triển. Nhân dân trong làng đã suy tôn cụ là cụ tổ nghề thêu làng An Hòa.Từ năm 1975 đến năm 1999 là thời gian thịnh vượng, phát triển của làng nghề: sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu và các nước trên thế giới. Từ năm 2000 đến nay là thời kỳ chuyển đổi cơ chế, làng thêu ren Thanh Hà đã trải qua bao trăn trở tìm cho mình hướng đi để tồn tại và phát triển trong điều kiện thị trường truyền thống bị thu hẹp và thị trường nước ngoài lại đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và thời gian. Hiện nghề thêu ren ở Thanh Hà đã có những chuyển biến mạnh mẽ về cả chất và lượng. Nên người làm nghề hiện nay cũng ở tâm thế khác nhau. Trong những năm gần đây, để bắt kịp với xu thế xã hội, cùng với sự hỗ trợ của  cấp ủy chính quyền các cấp và ngành chức năng, Bản thân các hộ làm nghề đã không ngừng học hỏi, cải tiến phương tiện kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và yêu cầu của thị trường. Nghề thêu ren  được khôi phục và phát triển ở tất cả các thôn, xóm tạo việc làm thường xuyên cho trên 50% lao động và sử dụng được phần lớn lao động nông nhàn. Sản phẩm thêu ren Thanh Hà ngày càng được cải tiến cả về chất lượng và mẫu mã. Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu tay đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời mỗi bức tranh mang vẻ đẹp mộc mạc và giản dị của  người  dân Thanh Hà. Các tác phẩm nổi bật của ngành thêu là tranh thêu phong cảnh như cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như chùa một cột, hay những bức tranh mang đậm truyền thống dân tộc như vinh quy bái tổ, hứng dừa, đám cưới chuột. Bên cạnh các kỹ thuật thêu truyền thống như: Độn, lướt vặn, bỏ bạt, đâm xô, nối đầu… thì nghề thêu hiện nay còn phát triển thêu nhiều kĩ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu có những bức tranh thêu trị giá lên tới cả trăm triệu đồng.

     Những bức tranh được dệt nên từ những đường kim mũi chỉ đã thực sự chinh phục được những người yêu nghệ thuật nên đã mở rộng được nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước và đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu của tỉnh. Đến nay, thị trường xuất khẩu thêu ren Thanh Hà ở hầu khắp các châu lục trên thế giới như Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ. Trong đó tập trung ở một số thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Thụy sỹ...Các sản phẩm chủ yếu như: Ga trải giường, gối, túi thơm, ví, khăn trải bàn, quần áo, tranh treo tường...  

     Theo số liệu năm 2022 toàn xã Thanh Hà  có 5000 khung thêu, 30 hộ có thiết bị giặt là, in. Có 5 nghệ nhân và 76 thợ giỏi được Hội đồng thẩm định, xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của UBND tỉnh công nhận.  Các nhân công nhận gia công hàng về nhà hoàn thiện theo công đoạn thì rất nhiều. Chủ yếu là trẻ em và người già, lao động nông nhàn. Quy trình để có một sản phẩm thêu ren Thanh Hà khá công phu. Đầu tiên là  tạo mẫu rồi đến pha và in màu, thêu, giặt là, kiểm tra đóng gói và cuối cùng là tiêu thụ. Nguyên liệu vải thêu sử dụng các loại  vải thô trắng, sa tanh, lụa, chỉ thêu các màu. Các công đoạn trên đều thực hiện bằng lao động thủ công. những thợ thêu chuyên nghiệp thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Để tạo mẫu đảm bảo chất lượng, chỉ có một số hộ có kỹ thuật, có vốn đảm nhiệm công đoạn này và làm dịch vụ cho cả làng nghề. Khâu kiểm tra, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm là thuộc về các doanh nghiệp.  Sản lượng thêu ren tiêu thụ mỗi năm khoảng trên 25.000 sản phẩm các loại. Trong đó, đa số xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. 

     ​Nếu như trước đây, hoạt động sản xuất vẫn còn thiếu sự tập trung, hầu hết các hộ gia đình có quy mô sản xuất nhỏ, tự tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu của làng nghề do chưa có nhãn hiệu riêng nên phải mang hoặc phải gắn nhãn hiệu của các doanh nghiệp thu mua/bao tiêu để xuất hàng. Mặc dù, người sản xuất không phải lo về đầu ra cho sản phẩm nhưng giá trị của hàng hóa bán ra rất thấp, do vậy thu nhập của những người làm nghề không cao. Thì nay, Thanh Hà  đã có Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thêu ren Thanh Hà. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh mặt hàng thêu ren thuộc các thành phần kinh tế tình nguyện thành lập trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thêu ren Thanh Hà mang nhãn hiệu tập thể “Thêu ren Thanh Hà". Hiệp hội có 33 thành viên là các hộ, cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm thêu của xã Thanh Hà, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm thêu ren.  Ngày 21 tháng 4 năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định chấp nhận hợp lệ đối với nhãn hiệu tập thể thêu ren Thanh Hà. Đặc biệt vào tháng 5 năm 2021 sản phẩm thêu ren Thanh Hà đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà Nguyễn thị Tuyến phó chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết:  Là làng nghề truyền thống lâu đời, cái khó nhất để tồn tại và giữ nghề là làm sao có đầu ra ổn định cho người làm nghề. Thời gian qua địa phương đã được các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư về phương tiện sản xuất, khoa học  kỹ thuật và các thủ tục thành lập hiệp hội thêu ren Thanh Hà liên kết các hộ sản xuất với nhau. Đầu tư quy mô dây chuyền sản xuất. Quy tụ những nghệ nhân thợ giỏi để nâng tầm chất lượng, số lượng. Đến nay một số sản phẩm thêu ren của làng nghề đã được công nhận sản phẩm Ocop 3 sao. Ngoài ra,  xã  cũng được huyện xây dựng dự án điểm du lịch làng nghề . Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm từ khâu sản xuất đến trưng bày sản phẩm. Hy vọng rằng khi dự án đưa vào hoạt động sẽ tạo hướng mở cho nhiều người biết đến sản phẩm thêu ren Thanh Hà, đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời quảng bá tiềm năng thế mạnh của Thanh Hà cũng như huyện Thanh Liêm với du khách thập phương.

            Du khách có thể đến thăm làng nghề từ nhiều hướng và nhiều phương tiện khác nhau. Chỉ cách Hà Nội 60 km về phía nam. Từ bến xe Hà Nam, theo đường ĐT494 và đi thẳng khoảng 5 km là đến xã Thanh Hà hoặc từ Phủ lý xuôi QL 1A hướng Ninh Bình đến ngã tư Kiện Khê rẽ trái hơn 1km đến làng nghề…..​