Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những kết quả bước đầu trong triển khai Đề án 146 ở Hà Nam

Chuyển đổi số  
Những kết quả bước đầu trong triển khai Đề án 146 ở Hà Nam
Thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án 146), thời gian qua, Hà Nam đã tích cực triển khai và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh công tác truyền thông về Đề án 146 nhằm nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị tỉnh, cũng như người dân, doanh nghiệp. Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện và đài truyền thanh cơ sở xây dựng chuyên mục về chuyển đổi số để công khai các bài toán chuyển đổi số quốc gia, của tỉnh và các bài toán chuyển đổi số của các doanh nghiệp; phổ biến các kinh nghiệm chuyển đổi số, mô hình chuyển đổi số điển hình; thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, chiến lược về thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó có Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm kỹ năng truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân để người dân có ý thức chấp hành pháp luật, an tâm sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch điện tử trên không gian mạng, tham gia chính quyền điện tử… Kết quả cụ thể: Báo Hà Nam (báo in và và báo điện tử) đã đăng tải trên 100 tin, bài tuyên truyền về chuyển đổi số, chính quyền số trên các lĩnh vực, nổi bật như lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, cải cách thủ tục hành chính, thương mại điện tử. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam đã phát sóng trên 130 tin, 30 phóng sự tuyên truyền về nội dung chuyển đổi số trên 02 kênh truyền hình và phát thanh, duy trì đều đặn Chuyên mục “Cải cách hành chính" mỗi tháng 01 số; xây dựng banner “Hà Nam Chuyển đổi số" trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp, đăng tải, chia sẻ các chương trình, chuyên mục có nội dung về xây dựng chính quyền số lên trang Fanpage, kênh Youtube của Đài để công tác tuyên truyền về chuyển đổi số đạt hiệu quả cao. Chuyên mục “Chuyển đổi số" trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh thường xuyên thông tin về nội dung chương trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Nam, cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện, Đài truyền thanh cơ sở đã phát sóng khoảng trên 100 tin, bài tuyên truyền về nội dung chuyển đổi số trong đó có việc tuyên truyền về triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Ngoài ra, sở cũng chủ trì các nội dung thảo luận về Chuyển đổi số tại nhiều hoạt động tọa đàm, hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số như: hội nghị toạ đàm của Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh về “Đẩy mạnh Cải cách hành chính; nâng cao chất lượng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính", với sự tham dự của 200 đại biểu là các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ; Thường trực, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; lãnh đạo cấp ủy cơ sở; báo cáo viên Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh; bí thư đoàn, chi đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan. Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Hà Nam đã tổ chức diễn đàn thảo luận với chủ đề “Thanh niên Hà Nam khởi nghiệp, lập nghiệp chuyển đổi số", tại diễn đàn, các đoàn viên thanh niên được lãnh đạo Sở thông tin và Truyền thông trực tiếp trao đổi các nội dung về các chủ trương, đường lối, chính sách của tỉnh về chuyển đổi số, diễn đàn đã thu hút trên 200 đoàn viên ưu tú đại diện cho lực lượng đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh tham gia.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông  đã chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Về nhiệm vụ phổ cập kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động: Trong thời gian qua, thực hiện Kế hoạch số 1273/KH-UBND ngày 17/5/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về bồi dưỡng chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2022, sở đã phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 679 đối tượng lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo nguồn của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Onetouch; tổ chức được 02 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng cho 26 cán bộ quản trị mạng của 20 sở, ban, ngành và 06 UBND huyện, thị xã, thành phố; tổ chức 02 hội nghị tập huấn cho 37 đồng chí là thành viên Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tổ chức diễn tập thực chiến với hệ thống trang thông tin điện tử Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông có 37 thành viên tham gia; phối hợp với UBND huyện Lý Nhân tổ chức hội nghị tập huấn chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến cho trên 70 cán bộ bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, sở cũng tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số.

Công tác triển khai phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tại địa phương cũng đạt được nhiều kết quả. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 100% TCNSCĐ cấp xã, cấp thôn. Sau khi các Tổ CNSCĐ được thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các thành viên Tổ CNSCĐ các cấp, cụ thể: Phối hợp với Viettel chi nhánh Hà Nam tổ chức 18 lớp tập huấn cho thành viên Tổ CNSCĐ (mỗi huyện, thị xã, thành phố là 03 lớp); phối hợp với VNPT Hà Nam tổ chức 17 lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên Tổ CNSCĐ các xã, thị trấn của huyện Thanh Liêm, 05 lớp cho thành viên Tổ CNSCĐ các xã, phường thành phố Phủ Lý. Tổng số học viên tham gia các lớp tập huấn trên 1.600 người. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND tỉnh tới 06 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố và 109 điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với khoảng 4.200 thành viên Tổ CNSCĐ các cấp trên địa bàn tỉnh tham gia.

Thông qua các lớp tập huấn, các thành viên Tổ CNSCĐ các cấp được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam. Hướng dẫn cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số như phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến; sổ sức khỏe điện tử phần mềm tiêm chủng mở rộng; thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử... Cũng tại các buổi tập huấn, các thành viên Tổ CNSCĐ được hướng dẫn cách tham  gia  kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia" để kịp thời nhận được, nắm bắt, cập nhật các chủ trương, định hướng, thông tin về các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, làm nền tảng kiến thức phục vụ cho việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân.

Bên cạnh đó, nhằm thuận tiện trong việc trao đổi, thông tin, tuyên truyền nhiều nhóm Zalo đã được thành lập, thống nhất xuyên suốt từ tỉnh đến thôn. Cả tỉnh hiện đã thành lập 01 nhóm Zalo điều hành chung toàn tỉnh, 109 nhóm Zalo của Tổ CNSCĐ cấp xã, 686 nhóm Zalo của Tổ CNSCĐ cấp thôn. Cùng với đó, tại các thôn, tổ dân phố, thành viên Tổ CNSCĐ cấp thôn cũng thành lập các nhóm Zalo cộng đồng hoặc tận dụng các nhóm Zalo đã được thành lập sẵn của người dân để trao đổi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại địa phương. Các nhóm Zalo này đều có sự kết nối thông qua các thành viên đầu mối, đảm bảo thông tin tuyên truyền được xuyên suốt, thống nhất và đều có sự tham gia của thành viên là cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp viễn thông để kịp thời hỗ trợ người dân.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 146; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến các kinh nghiệm chuyển đổi số, mô hình chuyển đổi số điển hình; tổ  chức  triển  khai  công  tác tuyên truyền các nội dung và kết quả  triển  khai  Đề  án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam; triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ; tổ  chức  đào  tạo,  tập  huấn cho cán bộ quản trị mạng của các cơ quan, đơn vị về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi  dưỡng  kiến  thức  về chuyển  đổi  số  cho  cán  bộ, công  chức,  viên  chức  trong các cơ quan, đơn vị.../.