Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày xuân nghe hát trống quân

Thông tin cần biết  
Ngày xuân nghe hát trống quân
13.jpg

Không biết tự bao giờ những làn điệu hát đối đáp, mộc mạc giản dị   Liêm Thuận huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam đã trở thành làn điệu độc đáo của người dân vùng đồng chiêm, là món ăn tinh thần không thể thiếu  trong những ngày lễ tết của người dân địa phương. Nhân dịp xuân về chúng tôi có dịp về thôn Lau Chảy xã Liêm Thuận trải nghiệm những làn điệu này cùng câu lạc bộ hát trống quân nơi đây.

“ Ai về Liêm Thuận quê tôi

 chiêm mùa hai vụ lúa bời bời bông

dồn điền đổi thửa khoanh vùng

đưa cơ giới hóa nhà nông giảm nghèo

toàn dân đoàn kết chung tay

xây nông thôn mới từng ngày ấm no"

Những làn điệu hát trống quân mượt mà, đầy sức sống nhưng rất mộc mạc, giản dị ca ngợi quê hương Liêm Thuận đổi mới chính là lời một bài hát trống quân do các hội viên câu lạc bộ hát trống quân thôn Lau Chảy xã Liêm Thuận tập luyện hướng đến ngày hội đầu xuân cổ truyền của dân tộc. Người dân địa phương cho biết, những làn điệu trống quân ở đây luôn là món ăn tinh thần, là tiết mục được bà con háo hức chờ đợi được thưởng thức trong các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương. Theo các cụ làng Lau Chảy  thì điệu hát trống quân đã có từ rất lâu rồi và có mối quan hệ mật thiết với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đó là nguồn gốc mang đậm dấu ấn lịch sử Đại Việt. Tích xưa để lại: Liêm Thuận có dòng sông La Giang chảy qua, làng xóm quanh năm nước ngập mênh mông như biển cả. Nơi đây được các Vương Trần chọn làm nơi cát cứ và cất giấu quân lương. Vì là cát cứ của các Vương Trần nên thủy quân nhà Trần bơi thuyền canh gác ngày đêm. Những câu hát trống canh, tiếng trống canh của binh lính thời Trần đã có ở Liêm Thuận từ ngày ấy. Cũng do địa hình sông nước, nên người dân đi lại, sinh hoạt chủ yếu bằng thuyền. Những lúc hiu quạnh giữa cánh đồng nước mênh mông họ thường cất lên tiếng hát để xua đi mệt mỏi, sự buồn tẻ trước không gian rộng lớn. Người này hát, người kia nghe thấy hay lại hát theo, hay ngẫu hứng đáp lại, khiến cho những cuộc hát dần hình thành và diễn ra một cách tự nhiên. Ban đầu chỉ là những đám hát nhỏ giữa một vài người, sau lớn dần thành làng này đua tài với làng kia để rồi hình thành nên cuộc hát trống quân giữa các xóm, làng trong xã. Cứ như thế câu hát trống quân trở nên quen thuộc, ăn sâu vào nếp sống của người dân Liêm Thuận. Cái tên Hội hát trống quân cũng có từ ngày đó và ngày nay quen gọi là hát trống quân.

Theo chị Phạm Thị Huệ  chủ nhiệm câu lạc bộ hát trống quân Liêm Thuận  cho biết: CLB được thành lập từ năm 2005 tại thôn Chảy nay là thôn Lau Chảy thu hút gần 30 thành viên chủ yếu là người trong thôn và một số ít người thôn khác trong xã. Chủ yếu là chị em phụ nữ yêu thích loại hình dân ca dân giã. CLB sinh hoạt một tháng đôi ba lần. Định kỳ chị em tụ họp nhau lại học hát và hát cho nhau nghe rồi đi giao lưu với các CLB của các xã, huyện, hoặc tỉnh bạn  và phục vụ các hoạt động chính trị của địa phương. Lâu nay CLB còn có nhiệm vụ duy trì các làn điệu để truyền bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân, bảo tồn và phát huy các giọng hát, làn điệu hay để tham gia các hội thi, hội diễn của tỉnh,của huyện và có khi là cấp vùng miền nữa. Những làn điệu trống quân được sáng tác theo thể thơ lục bát, nội dung gắn với đời sống sinh hoạt, những hoạt động sản xuất hoặc mô tả cảnh sắc chính quê hương mình nên rất dễ nhớ, dễ thuộc ai cũng có thể hát, chỉ cần người đó yêu thích môn nghệ thuật này. Bà Lê Thị Tâm thành viên câu lạc bộ cho biêt: Thực tế có nhiều làn điệu dân ca cổ truyền khắp các vùng miền đất nước. Mỗi nơi đều có cái hay riêng nhưng hát trống quân của chúng tôi có cái độc đáo không đâu có được và dễ hát, phù hợp với chị em nông thôn nên chúng tôi rất vui, rất thích hát và tự hào về hát trống quân quê mình lắm.

 Còn đối với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Lâu năm nay đã 77 tuổi người làng Lau Chảy là người tâm huyết và rất tâm đắc với bộ môn nghệ thuật này. Ông cũng chính là người khơi nguồn, thắp lửa để những điệu hát trống quân quê hương Liêm Thuận sống dậy, ăn sâu và lan tỏa ngày một rộng hơn trong quần chúng nhân dân. Không chỉ là người có công sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn mà bản thân ông còn trực tiếp biên soạn sáng tác các bài hát để truyền dạy cho CLB và các cháu học sinh trường MN, TH và THCS Liêm Thuận, CLB Thơ Thanh Liêm. Ông cho biết việc sáng tác các làn điệu trống quân hầu như là việc làm hàng ngày nên không thể nhớ nổi đã viết bao nhiêu bài. Theo ông Lâu, hát trống quân ở Liêm Thuận đã như là lệ chơi, xưa người ta hát mọi lúc, mọi nơi, trong lao động sản xuất, lúc vui chơi giải trí, hát ở lễ hội, hát một mình, hát tập thể, trên cạn, dưới thuyền. Đặc biệt những đếm trăng thanh gió mát trai gái rủ nhau hát đối đáp giao duyên, cũng từ đây bao đôi lứa lên duyên chồng vợ.Với tâm huyết của mình ông mong muốn môn nghệ thuật hát trống quân của Liêm Thuận được nhà nước ghi nhận và bảo tồn theo đúng giá trị của nó đồng thời được ngành chức năng quan tâm đầu tư thêm kinh phí mua sắm nhạc cụ phụ họa, trang phục biểu diễn cho chị em câu lạc bộ để hoạt động hiệu quả hơn đồng thời mong mỏi môn nghệ thuật này được duyệt đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Có như vậy những điệu hát mới được gìn giữ và ngày càng phổ biến trong cộng đồng.

“ Ai xuôi dốc Đọ cầu Nga

ai từ dốc Bói thì qua Liêm Cần

Xin mời quý khách dừng chân

lắng nghe câu hát trống quân ngọt ngào

Quê em Liêm Thuận vui sao

trẻ già, trai gái cùng vào hội xuân

Gửi vào câu hát trống quân

quê hương em đó muốn phần đổi thay…"

Câu hát  thay cho lời mời, giới thiệu, chỉ dẫn với du khách mọi nơi về với quê hương Liêm Thuận rất giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc, khiến cho người ta không khỏi tò mò, thích thú và mong muốn có dịp ghé thăm. Thế mới biết, mọi lời hát, ý tứ trong câu hát trống quân ở Liêm Thuận đều gắn bó xuất phát từ tự nhiên, cuộc sống lao động sản xuất đơn giản nhưng được cộng hưởng với các nhạc cụ độc đáo như vò, vại, căng thêm dây thừng, tấm ván mỏng vốn dĩ là những nông cụ sản xuất của nhà nông dễ kiếm tìm, nhà nào cũng có thì đã nổi bật thành điệu thành vần. Trở thành độc đáo không nơi nào có được. Đặc biệt,  Hát hội trống quân của Liêm Thuận không hề dựa vào tâm linh cầu may, cầu phúc. Nó hình thành và tồn tại như một trò chơi dân gian, trò chơi tập thể đông người. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định đưa Hát Trống quân Liêm Thuận (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam)  trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.

          Ngày nay không còn những cánh đồng trũng như trước kia nữa nhưng điệu hát trống quân, những nét đẹp của trống quân đã được coi là di sản văn hóa phi vật thể, món ăn tinh thần vô giá của người dân nơi đây và của huyện Thanh Liêm cũng như tỉnh Hà Nam vì nét độc đáo của nó. Nghe điệu hát trống quân người ta như  thấy cội nguồn, thấy lịch sử quê hương. Niềm mong mỏi của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Lâu và những người con của quê hương Liêm Thuận nói riêng, mà người dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam nói chung đã trở thành sự thật góp phần lưu giữ bảo tồn điệu hát này đúng nghĩa của một bộ môn nghệ thuật văn hóa dân gian của cộng đồng, dân tộc. Để bất cứ ai, ở đâu có nhu cầu hát hay nghe hát trống quân đều được thưởng thức. Để mỗi người khi đi xa khi nhớ về hát trống quân lại thấy tự hào, mỗi dịp xuân về lại náo nức  cho hội xuân càng thêm xuân./.