Vườn Ngô của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (ở thôn Thanh Bồng, Thanh Nghị, Thanh Liêm)
Cũng như chị Huệ, nhờ nguồn vốn từ chương trình tín dụng chính sách, chị Nguyễn Thị Hà (thôn Trung Tiến, Công Lý, Lý Nhân) đã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Chị chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo trong xã, thông qua hoạt động ủy thác của Hội Phụ nữ xã, năm 2020 gia đình chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Lý Nhân để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, thời điểm đó, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chị đã chuyển hướng sang nghề sản xuất giò của gia đình. Đến năm 2023, sau khi hoàn trả vốn vay hộ cận nghèo, chị đã được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị, nâng cấp và mở rộng dây chuyền sản xuất. Từ một cơ sở sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, đến nay, cơ sở sản xuất Giò Hiền của gia đình chị đã tìm được chỗ đứng trong các siêu thị lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và hình thành một chuỗi đại lý tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bình quân mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất và tiêu thụ gần 2 tạ sản phẩm giò lợn các loại; doanh thu đạt khoảng 20 triệu đồng/ngày. Với chất lượng cao, tháng 1/2024, một số sản phẩm của cơ sở sản xuất Giò Hiền đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao... Đặc biệt, mới đây, cơ sở của chị đã ký được hợp đồng tiêu thụ với Trung tâm thương mại GO! Hà Nam (Phủ Lý - Hà Nam).
Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, chương trình tín dụng chính sách đã đem lại những hiệu quả tích cực và ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội.
Tăng trưởng nguồn vốn, lan tỏa giá trị nhân văn
Thực tế ở các địa phương khẳng định, chương trình tín dụng chính sách đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", Ngân hàng CSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động hiệu quả với 109 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, 1.362 tổ TK&VV tại thôn, xóm với tinh thần “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có Ngân hàng CSXH".
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và 03 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 3.368 tỷ đồng, tăng 2.074 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng 160,27%), trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 205 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,1% tổng nguồn vốn, tăng gấp 19,87 lần so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam đạt 3.362 tỷ đồng với 47.647 khách hàng còn dư nợ; bình quân mỗi năm tăng trưởng 206,8 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm. Trong giai đoạn 2015-2024 (đến ngày 30/6/2024), doanh số cho vay đạt 7.325 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 5.252 tỷ đồng. So với giai đoạn từ khi Ngân hàng CSXH được thành lập đến trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW (2003-2014), doanh số cho vay tăng 137,6%, doanh số thu nợ tăng 173,8%. Tỷ lệ thu hồi vốn/doanh số cho vay đạt 99,95%.
Giảm tình trạng thất nghiệp ở nông thôn
Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Chỉ thị thật sự đi vào lòng dân. Cùng với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH ủy thác cho Hội Phụ nữ tỉnh quản lý, hội cũng đã triển khai lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư giúp cho chị em có vốn đầu tư, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, giảm tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen", hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng, Nhà nước...
Từ nguồn vốn trên, đã góp phần giúp cho trên 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 21 nghìn lao động; giúp trên 14 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; 1.964 em học sinh, sinh viên được vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến; góp phần xây dựng, cải tạo được trên 162 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng, cải tạo 1.408 căn nhà cho hộ nghèo, người có công, cán bộ, viên chức, công chức, công nhân, người thu nhập thấp (trong đó có 18 người lao động được vay vốn để mua nhà ở xã hội); hỗ trợ 49 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5.349 lượt người lao động, 28 trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19; hỗ trợ 72 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng...; góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2015 là 5,81%, đến năm 2023 xuống còn 2,11%.
Như vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều. Tín dụng CSXH đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen", đặc biệt là ở những vùng nông thôn, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng CSXH có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nam, thời gian tới, để tín dụng chính sách tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng CSXH. Cùng với đó, UBND các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030; Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH.